Đã đến thời của…ví điện tử?

11/05/2009

Khủng hoảng kinh tế đã tạo điều kiện cho thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, đặc biệt là sự trỗi dậy vừa qua của các dịch vụ thanh toán. Hình thức ví điện tử, hay các tài khoản trên mạng, ra đời đã giúp giải quyết được rào cản vốn đã tồn tại nhiều năm nay ở khâu thanh toán giữa người tiêu dùng với đơn vị bán hàng. Thế nhưng ví điện tử có thể phát triển được đến đâu thì còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố…

Giao dịch không tiền mặt

Hiện nay, số người dùng thẻ ATM tại Việt Nam là không nhỏ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Thẻ ATM thực chất cũng là một loại ví điện tử vì cho phép người dùng chỉ cần mang theo một chiếc thẻ gọn nhẹ, thay vì rất nhiều tiền mặt. Không chỉ cho phép người dùng rút tiền khi cần tiền mặt, thẻ ATM còn có thể thực hiện nhiều giao dịch khác tại máy ATM, như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, cước viễn thông, mua thẻ trả trước, mua vé tàu, vé xe buýt,… thậm chí gởi tiết kiệm có kỳ hạn ngay tại ATM. Một số ngân hàng đã nâng cấp thẻ ATM thông thường thành “thẻ đa năng”, với nhiều tính năng vượt trội. Ngoài ra, thẻ ATM có thể dùng để thanh toán tại các nhà hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm, các điểm bán hàng có đặt máy cà thẻ thanh toán POS. Tuy nhiên, trên thực tế, với rất nhiều người Việt Nam, thẻ ATM chủ yếu chỉ được dùng để rút tiền. Nhiều người còn lầm tưởng rằng các máy POS chỉ dành riêng cho thẻ tín dụng, nên thường vẫn rút tiền mặt trước khi đi mua sắm.

Loại ví điện tử thứ hai hiện đang được nhắc nhiều là một tài khoản điện tử, có chức năng như “ví tiền trong thế giới số”, dùng trên internet và các mạng di động,… cho phép người dùng có thể giao dịch, mua bán, trao đổi tại các website TMĐT, tiến hành thanh toán trực tuyến mà không cần phải có tài khoản ngân hàng cũng như các loại thẻ tín dụng quốc tế, trong điều kiện thẻ ghi nợ nội địa còn ít được chấp nhận tại các website bán hàng.

Bốn doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ “ví điện tử” hiện nay là Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam – VNPAY, và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) triển khai ví điện tử VnMart; Công ty cổ phần Hỗ trợ Dịch vụ Thanh toán Điện tử Việt Phú và các ngân hàng VIB Bank, Techcombank cung cấp ví điện tử Mobivi; Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt – VietUnion có sản phẩm ví điện tử Payoo; Công ty cổ phần Mạng Thanh toán VINA (PayNet) có sản phẩm Cổng thanh toán trực tuyến PayNet dựa trên mô hình ví điện tử, với tên gọi NetCash.

Cách thức sử dụng các ví điện tử trên nhìn chung là tương tự nhau. Người dùng là cá nhân hoặc doanh nghiệp thực hiện đăng ký tài khoản ví điện tử qua website dịch vụ ví điện tử của các nhà cung cấp trên, sau đó tiến hành nạp tiền vào ví. Có nhiều phương thức giúp người dùng nạp tiền vào ví, như: chuyển khoản qua ngân hàng, nạp từ tài khoản thẻ ATM, nạp bằng thẻ trả trước,… Hầu hết các ví điện tử được gắn kết với tài khoản tiền gởi, hoặc tài khoản thẻ của người dùng, để có thể dễ dàng chuyển tiền giữa ví điện tử và tài khoản tiền gửi. Ví điện tử cũng cho phép chủ sở hữu nạp tiền từ tài khoản ngân hàng, rút tiền ra tài khoản ngân hàng một cách rất dễ dàng trên internet. Người dùng ví điện tử có thể giao dịch thanh toán với người dùng khác, hay các doanh nghiệp bán hàng hoá, dịch vụ có ví điện tử, ở bất cứ ngân hàng nào trong hệ thống. Ngoài ra, người sử dụng có thể thực hiện truy vấn, quản lý các giao dịch phát sinh trên ví điện tử, theo dõi số dư của ví, kiểm soát việc chi tiêu, in sao kê, hay thực hiện thanh toán các đơn hàng của những giao dịch chưa được thanh toán thành công trước đó,…

Ông Nguyễn Chiến Thắng, tổng giám đốc Mạng Thanh toán PayNet, cho biết: “Cổng thanh toán NetCash của PayNet có mô hình của ví điện tử, nhưng thực tế công ty muốn hướng hoạt động của NetCash tới một mô hình cổng thanh toán trực tuyến như Paypal (Mỹ), và Alipay (Trung Quốc). Trong đó, PayPal có trên 160 triệu tài khoản toàn cầu, hoạt động thanh toán gắn với thẻ và tài khoản ngân hàng. Alipay có khoảng 100 triệu tài khoản mua sắm trực tuyến bằng tài khoản ngân hàng liên kết với tài khoản giao dịch điện tử của Alipay, sử dụng dịch vụ lưu ký tiền trong tài khoản cho đến khi hoàn tất giao dịch, nhằm bảo vệ quyền lợi cho cả bên mua và bên bán”.

Theo ông Thắng, ví điện tử trực tuyến có phạm vi ứng dụng khác với ví điện tử ATM, thực hiện các giao dịch gắn liền với internet và online, trong khi ATM là dùng offline. Người dùng ví điện tử chỉ cần có máy tính nối mạng internet là có thể vào được cổng thanh toán mở tài khoản để giao dịch, mua bán và được bảo vệ quyền lợi, được sử dụng các dịch vụ gia tăng giá trị,…

“Với cơ chế hoạt động của cổng thanh toán trực tuyến PayNet, quyền lợi của cả người bán và người mua đều có thể được bảo vệ thông qua các tài khoản lưu ký do PayNet quản lý. Để tham gia thanh toán trực tuyến, cả người mua và người bán đều phải đăng ký tài khoản trên cổng thanh toán và có tài khoản ở ngân hàng. Khi người mua chuyển tiền, tiền sẽ được giữ lại ở tài khoản lưu ký đặt tại ngân hàng; khi người bán chuyển hàng cho người mua (hoặc có xác nhận giao dịch mua bán đã hoàn tất) thì tiền từ tài khoản lưu ký mới chính thức được chuyển vào tài khoản của người bán.” – ông Thắng giải thích. “Tài khoản giao dịch của khách hàng đăng ký trên cổng thanh toán trực tuyến của PayNet đều phải qua một quy trình xác thực thông tin về thể nhân, pháp nhân,… thông qua bên thứ ba, sau đó mới được kích hoạt sử dụng. Tất cả các giao dịch liên quan đến khách hàng đều sẽ được thông báo qua đường email hoặc điện thoại di động để họ tiện theo dõi, tránh bị lợi dụng. Người dùng dịch vụ ví điện tử trực tuyến cũng có thể thực hiện các giao dịch tương tự như ví điện tử ATM, như: kích hoạt các tài khoản trả trước, thanh toán hoá đơn cho các nhà cung cấp dịch vụ, hay chuyển tiền cho bạn bè, người thân, đối tác…”.

Ông Nguyễn Hoàng Ly, tổng giám đốc VietUnion – đơn vị cung cấp ví điện tử Payoo, chia sẻ: “Payoo cung cấp giải pháp đảm bảo an toàn giữa người mua và người ban. Khi hai người giao dịch chưa quen biết nhau thì có hai rủi ro: thứ nhất, người mua không phải muốn mua thật, họ chỉ làm đơn hàng giả. Khi đó, rủi ro về phía người bán. Ví điện tử sẽ giải quyết, giúp tránh đơn hàng giả là vì ngay lúc đó, tiền sẽ được rút ra khỏi ví người mua. Rủi ro thứ hai là khi giao hàng, có thể gặp những trường hợp như mặt hàng giao đến không đúng với cam kết trên mạng, cũ hơn hoặc trầy xước… Khi đó, rủi ro về phía người mua. Ví điện tử sẽ giúp giải quyết việc nầy, vì sau thời gian giao nhận còn có thời gian khiếu kiện. Trong thời gian khiếu kiện, người mua có thể khiếu kiện đơn hàng và VietUnion trung gian sẽ đứng ra giải quyết. Sau thời gian khiếu kiện, xem như giao dịch diễn ra tốt đẹp và tiền mới về ví người bán”.

Mô hình còn nhiều… khó khăn

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, nếu như ATM cho phép người dùng thanh toán trực tiếp tại các quầy thanh toán khi mua sắm offline thì ví điện tử trực tuyến giúp họ thanh toán khi mua hàng online một cách nhanh chóng và thuận tiện, qua máy tính kết nối internet, với độ bảo mật cao hơn nhiều, giảm thiểu được rủi ro sử dụng tiền mặt, hoặc lộ thông tin thẻ ATM, lại không phải đi lại nhiều,… Hơn nữa, ví điện tử trực tuyến không chỉ phục vụ cho các cá nhân mà còn cho các doanh nghiệp bán hàng qua mạng, giúp họ có được một phương thức thanh toán trực tuyến an toàn và ít chi phí.

Tuy nhiên, là một mô hình mới ở Việt Nam nên quá trình phát triển ví điện tử chắc chắn gặp nhiều khó khăn. “Hiện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử đang phải đối mặt với bài toán phát triển khách hàng. Hiện tại, trên ba triệu chủ thẻ ATM của Vietcombank đã có thể dùng ngay thẻ ATM Connect24 của mình để thanh toán trực tuyến, và do đó họ không cần phải đăng ký dịch vụ ví điện tử nữa.” – chị Nguyễn Thuý Ngân, đại diện truyền thông của Công ty PayNet, nhận xét – “Khi sử dụng dịch vụ ví điện tử, nghĩa là người dùng phải làm thủ tục tạo ví, tức là mua một cái ví để đựng tiền, nhưng ví phải có tiền thì mới tiêu được, nên họ phải làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc ATM vào ví điện tử để tiêu. Ví này lại chỉ tiêu được ở một số website TMĐT có chấp nhận ví ấy, nên nhiều khi một người phải có vài… cái ví. Đến khi tiêu không hết tiền, chủ sở hữu ví lại phải làm thủ tục rút tiền ra”.

Có thể nói: hiện nay, người dùng chưa thật quan tâm đến dịch vụ ví điện tử nên các doanh nghiệp cung cấp đang tìm cách phát triển số người sử dụng ví, như: miễn phí cho doanh nghiệp bán hàng chấp nhận ví, miễn phí đăng ký ví, tặng tiền vào tài khoản cho khách hàng đăng ký ví,… Dẫu vậy, các nhà cung cấp vẫn tỏ ra lạc quan trước tiềm năng phát triển của mô hình nầy.

Ông Nguyễn Hoàng Ly, Công ty VietUnion, kỳ vọng: “Nghị định 291 của Thủ tướng Chính Phủ từ nay đến năm 2020 phải phát triển mạnh về thanh toán điện tử, dần đưa người Việt ra khỏi thói quen dùng tiền mặt, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình dịch vụ mới, hiện đại và tiện lợi như ví điện tử phát triển”.

Theo EChip


Dành cho người bán


Dành cho người mua


Trụ sở chính (Tp.HCM)

35 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Tel: (028) 3911 7147
Fax: (028) 3911 7144
Website: https://payoo.vn
Email: support@payoo.vn

Văn phòng đại diện (Hà Nội)

Tầng 6, Tòa nhà NeLumbo, 114 An Trạch, Phường Cát Linh, Quận Đống Đa, Hà Nội
Tel: (024) 3736 8629
Fax: (024) 3736 8628
Giấy phép Hoạt động cung ứng Dịch Vụ Trung Gian Thanh Toán số 27/GP-NHNN ngày 23/11/2015